Làm thế nào để xác định đường và lối thoát nạn an toàn khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra trong nhà xưởng, tòa nhà hay công trình mà bạn đang sử dụng. Cùng tìm hiểu các kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn qua những thông tin dưới đây.
Kỹ năng thoát hiểm đối với nhà độc lập, liền kề
Các lối thoát ra nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công hoặc lôgia; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề.
Ngoài ra, đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm…
Những lưu ý cần thiết khi phát hiện có đám cháy:
Người phát hiện đám cháy đầu tiên cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.
Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình suy tính, tìm lối thoát khác như:
-
Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng phương tiện thang dây hoặc trường hợp cần thiết sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối đảm bảo chắc chắn từ rèm cừa, ga giường, quần áo để thoát xuống dưới.
-
Di chuyển ra ban công hoặc cửa sổ và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận.
-
Di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc
-
Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, thì có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề.
Kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn đối với chung cư cao tầng
Đối với các tòa chung cư cao tầng, các lối thoát nạn an toàn là các cầu thang bộ bên trong tòa nhà (lối vào buồng thang có cửa tự động đóng kín) hoặc các cầu thang bộ hở đặt phía ngoài tòa nhà (thường là cầu thang sắt).
Những lưu ý để thoát nạn an toàn khi gặp sự cố cháy tại các công trình cao tầng:
Thông thường trên các hành lang của tòa nhà có biển báo đèn thoát hiểm cầu thang kí hiệu "EXIT" để chỉ dẫn người bị nạn di chuyển theo hướng mũi tên để đến nơi thoát nạn an toàn.
Tuyệt đối không sử dụng thang máy để thoát nạn trong trường hợp hỏa hoạn bởi vì hệ thống điện cung cấp cho thang máy có thể bị mất và thang sẽ dừng lại đột ngột ở vị trí bất kỳ, người bị nạn sẽ kẹt trong thang và có nguy cơ bị ngọn lửa tác động, hít phải khói, khí độc dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Thay vào đó bạn hãy sử dụng thang bộ và đi theo biển chỉ dẫn của đèn sự cố thoát hiểm.
Thông báo cho mọi người ở các căn hộ liền kề và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết có sự cố cháy.
Trường hợp nếu cửa chính ra vào căn hộ và hành lang dẫn đến buồng thang thoát nạn đều bị khói lửa bao trùm, mọi người không thể thoát ra khỏi phòng, thì nhanh chóng đóng cửa và có các biện pháp ngăn khói, lửa lan truyền vào căn hộ.
Trên đây là những lưu ý và các kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn cần thiết khi gặp phải sự cố cháy xảy ra tại các khu chung cư cao tầng, nhà độc lập, công trình đông người,... Hi vọng những thông tin trên đây sẽ hữu ích đối với bạn.
(Nguồn: Tham khảo)