Đèn chiếu sáng sự cố và đèn thoát hiểm là hai sản phẩm đèn chuyên dụng không thể thiếu trong các tòa nhà khi gặp các sự cố mất điện hoặc hỏa hoạn. Tuy nhiên hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn cần tuân theo các tiêu chuẩn thiết kế và lắp đặt để đảm bảo an toàn cho mọi người.
1. Yêu cầu thiết kế, lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố
1.1 Đèn chiếu sáng sự cố phải được trang bị cho gian phòng, nhà và công trình tại các vị trí sau:
a) Chỗ nguy hiểm cho sự di chuyển của người;
b) Lối đi và trên các cầu thang bộ dùng để thoát nạn cho người khi số lượng người cần thoát nạn lớn hơn 50 người;
c) Cửa thoát, lối ra thoát nạn ;
d) Vị trí chỉ dẫn cầu thang bộ trong các nhà ở có chiều cao lớn hơn 6 tầng;
đ) Vị trí trên đường thoát nạn có thay đổi về cao độ;
e) Vị trí chuyển hướng thoát nạn, nút giao của hành lang;
f) Trong các gian phòng công cộng và các nhà phụ trợ của các xí nghiệp công nghiệp, có mặt đồng thời nhiều hơn 100 người;
g) Trong các gian phòng sản xuất không có ánh sáng tự nhiên;
h) Trong phòng máy phát điện, gian lánh nạn;
i) Trong các phòng trực điều khiển chống cháy, phòng bơm chữa cháy và tại các vị trí trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác.
Cho phép không bố trí trong các trường hợp sau:
- Sân vườn, khu vực sân thượng không có mái che;
- Toà nhà cao 01 tầng chỉ có mái che (không có tường bao quanh) với diện tích sàn không quá 200 m2 và diện tích lỗ hở chiếm tối thiểu 80% diện tích tường ngoài của nhà.
1.2 Chiếu sáng sự cố đường thoát nạn
Đối với những đường thoát nạn có chiều rộng đến 2m, thì độ rọi theo phương nằm ngang trên sàn dọc theo tâm của đường thoát nạn phải không nhỏ hơn 1 lux và dải ở giữa với chiều rộng không nhỏ hơn một nửa chiều rộng của đường thoát nạn phải có được chiếu sáng tối thiểu 50% giá trị đó.
*** CHÚ THÍCH: Các đường thoát nạn rộng hơn có thể được xem là một số dải rộng 2m hoặc được xử lý như chiếu sáng khoảng trống (chống hoảng loạn).
2. Yêu cầu thiết kế, lắp đặt đèn thoát hiểm (đèn chỉ dẫn thoát nạn)
2.1 Biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn
Phải được bố trí ở tất cả các lối ra vào của cầu thang bộ thoát nạn, các đường thoát nạn trên tầng nhà và tất cả các lối ra vào của gian phòng có từ 02 lối ra thoát nạn trở lên;
Cho phép không bố trí trong các trường hợp sau:
- Đối với gian phòng có trang bị chiếu sáng sự cố phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:
+ Chỉ có 01 lối ra vào hoặc;
+ Có lối ra trực tiếp ra hành lang bên hoặc không gian ngoài nhà.
- Đối với gian phòng không trang bị chiếu sáng sự cố phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:
+ Chỉ có 01 lối ra vào và khoảng cách từ điểm bất kỳ của gian phòng đến lối ra thoát nạn gần nhất không lớn hơn 7 m; hoặc
+ Khoảng cách từ điểm bất kỳ của gian phòng đến cửa ra vào không lớn hơn 13 m và diện tích tối thiểu phần tường tiếp giáp hành lang đạt 50% là kính đảm bảo một trong các điều kiện sau:
- Đối với Nhà 1 tầng có diện tích sàn không quá 200 m2 và diện tích lỗ hở trên tường ngoài đạt tối thiểu 80%.
2.2 Biển báo chỉ hướng thoát nạn
Phải bố trí biển báo chỉ hướng thoát nạn trên đường thoát nạn, ở trong gian phòng và tất cả các vị trí mà tầm nhìn bị che khuất không thể phát hiện được các lối ra thoát nạn.
Cho phép không bố trí biển chỉ hướng thoát nạn, trong các trường hợp sau:
- Sân vườn, khu vực sân thượng không có mái che.
- Nhà 1 tầng chỉ có mái che (không có tường bao quanh), với diện tích sàn không quá 200 m2 và và diện tích lỗ hở chiếm tổi thiểu 80% diện tích tường ngoài của nhà.
2.3 Chiều cao của biển báo an toàn tương ứng với khoảng cách nhìn
Chiều cao nhỏ nhất của biển báo an toàn được xác định theo công thức sau:
h = l/Z
Trong đó:
h – chiều cao nhỏ nhất của biển báo an toàn (m);
l – khoảng cách quan sát (m);
Z – hằng số, trong đó Z bằng 100 cho các biển báo an toàn được chiếu sáng từ bên ngoài và bằng 200 cho các biển báo an toàn chiếu sáng từ bên trong.
*** GHI CHÚ: Việc xác định khoảng cách quan sát theo thông số kỹ thuật này đòi hỏi tỉ lệ giữa chiều cao của biển báo an toàn với chiều cao của ký hiệu phải theo quy định trong ISO 3864-1.
2.4 Chiều cao lắp đặt biển báo an toàn
Biển báo an toàn (không bao gồm biển báo an toàn tầm thấp) phải lắp đặt ở độ cao không thấp hơn 2m và không quá 2,7m so với mặt sàn, hoặc ngay trên cửa nếu cửa có chiều cao lớn hơn 2,7 m. Các khu vực khói tích tụ có thể che khuất thì biển báo an toàn nên được gắn thấp hơn trần nhà tối thiểu 0,5m để tránh bị ngập khói.
Hi vọng với những thông tin chia sẻ trên đây sẽ hữu ích đối với Quý khách. Để biết thêm các thông tin chi tiết về sản phẩm đèn chiếu sáng sự cố vui lòng truy cập tại đây https://roman.vn/den-exit.html hoặc liên hệ HOTLINE: 0886002825.
(Nguồn: Tổng hợp)